ĐIỀU KIỆN, TỰ NHIÊN CỦA HUYỆN THANH BÌNH

Trang chủ Tổng quan

ĐIỀU KIỆN, TỰ NHIÊN CỦA HUYỆN THANH BÌNH

Thanh Bình là Huyện ở tả ngạn sông Tiền; phía tây bắc giáp huyện Tam Nông; phía đông giáp huyện Cao Lãnh; phía nam và phía tây giáp huyện Chợ Mới và huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. 

- Diện tích tự nhiên 341.91Km2.

          - Đất nông nghiệp 26.730 ha, trong đó trồng cây hàng năm 26.003 ha; nuôi trồng thủy sản 500 ha (Tiềm năng lợi thế của Huyện là khai thác vùng đất bãi bồi nuôi cá da trơn), (số liệu theo điều tra năm 2012).

Đặc điểm khí hậu Thanh Bình có hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa nước nổi. Mùa nước từ tháng 7 đến tháng 12, cao điểm là tháng 9 - 10 nước dâng cao 3 đến 4m, nước dâng lên và từ từ rút xuống (trừ khi lũ lụt); đồng ruộng đều bị ngập nước, có vùng như biển nước mênh mông. Mùa khô từ tháng 01 đến tháng 6, vào mùa nầy nước kiệt, nông dân sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.

Địa hình Thanh Bình củ (trước 1983) không được bằng phẳng, có nhiều láng lớn, trấp sâu, gò cao như: Láng Tượng, Láng Chim, Bưng Sấm, Lung Bông, Gò Quản Cung, Giồng Găng. Trên các bưng trấp thường cỏ mọc rậm rạp, hoang vu, có nhiều động vật hoang dã. Trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và bè lũ tay sai, những sĩ phu và chiến sĩ yêu nước đã biết lợi dụng địa bàn này để làm căn cứ kháng chiến. Vùng căn cứ có nhiều địa danh gắn liền với chiến tích anh hùng của nhân dân ta như: Gò Quản Cung, Giồng Găng, Giồng Thị Đam…

Thanh Bình có 3 vùng tương đối khác biệt nhau: vùng ven, vùng cù lao và vùng sâu. Vùng ven (Tân Phú, Tân Thạnh, An Phong và mặt ngoài xã Bình Thành) đất đai nơi đây màu mỡ phì nhiêu, cây cối xanh tốt do phù sa bồi đắp hàng năm và con người tạo lập; Vùng Cù lao (Tân Huề, Tân Quới, Tân Hòa, Tân Long, Tân Bình) là phần đất nổi giữa sông Tiền, đất đai màu mỡ thích nghi với các loại cây trồng; Vùng sâu là phần đất rộng lớn, thường gọi là vùng sâu Đồng Tháp Mười, với đặc điểm trủng sâu, chua phèn. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân địa phương có nhiều nổ lực đào kênh, trồng cây gây rừng để tạo địa hình hiểm trở chống giặc.

Thanh Bình có hệ thống sông rạch chằng chịt, hệ thống kênh đào thuận lợi cho giao thông đường thủy, cung cấp nước tưới tiêu cho đồng ruộng và có nhiều tôm cá. Ngoài đường thủy liên Tỉnh lộ 30 chạy dọc theo tả ngạn sông Tiền, nằm vắt qua vùng ven của Huyện, đóng vai trò huyết mạch trong hệ thống giao thông nối với các Huyện khác trong và ngoài Tỉnh tạo mối liên hệ mật thiết với nhiều vùng.

Dân số Thanh Bình có 155.378 người; mật độ dân số có 454 người/km2. Tuyệt đại đa số là người Việt, sống chủ yếu bằng nghề nông, dân cư phân bố không đồng đều; vùng ven sông Tiền dọc theo trục lộ 30 và vùng Cù lao dân cư tập trung đông đúc và định canh, định cư. Vùng sâu (hậu Thanh Bình) rất thưa người ở, đồng bào chưa thật sự định cư. Nguyên nhân chính do phân bố dân cư quá chênh lệch; do tác động xã hội trong quá trình lịch sử của địa phương; thời chống Mỹ nhân dân vùng sâu bị dồn về vùng ven để lập nên những: ấp tân sinh, khu trù mật, ấp chiến lược và một số lớn đồng bào phải bỏ ruộng đất tản cư đi nơi khác để tránh bơm đạn giặc…đã làm cho các ấp, xã vùng sâu vốn thưa dân lại không còn định cư được; mặt khác cũng do sự chênh lệch về điều kiện sinh sống, ở vùng sâu có nhiều khó khăn hơn vùng ven và vùng cù lao.

Thanh Bình có nhiều tôn giáo, tổng số giáo dân các đạo chiếm 95% dân số toàn Huyện. Thanh Bình có các đạo Hòa Hảo, Cao Đài, Thiên Chúa, Phật Giáo…tỉ lệ cao nhất là Phật giáo Hòa Hảo. Chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước đã từng bước tháo gỡ những khó khăn, vận động giác ngộ đại bộ phận tín đồ mà phần lớn lá người lao động đứng về phía cách mạng chống đế quốc, phong kiến và chống bọn phản động đội lốt tôn giáo.

Danh mục chính Menu

Danh mục chính Menu