Xuất bản thông tin

null Thanh Bình đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp

Trang chủ chuyendoiso

Thanh Bình đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp

Trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nông nghiệp được xem là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên trong công cuộc chuyển đổi số. Thời gian gần đây chúng ta hay bắt gặp nhiều về cụm từ “chuyển đổi số” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói chung và huyện Thanh Bình nói riêng. Chuyển đổi số trong nông nghiệp là một giải pháp để nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, cụ thể cho cây lúa, hoa màu và cho cả việc chăn nuôi.

Hiện nay, huyện Thanh Bình bước đầu hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp số và thông tin tuyên truyền chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp cho các cấp, ngành, địa phương, hợp tác xã (HTX), nông dân. Tổ chức truyền thông, mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo về thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp; để giúp ngành nông nghiệp huyện và các nông hộ, HTX, hội quán có bước phát triển đột phá trong xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp số, thương mại điện tử, cấp mã vùng trồng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị… Qua đó, giúp các hộ nông dân, HTX đưa ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, sản lượng và đẩy mạnh tiếp thị các sản phẩm, hàng hóa nông sản ra thị trường.

 

Để việc triển khai CĐS trong NN trên địa bàn huyện hiệu quả hơn, lan tỏa nhanh hơn và ứng dụng tốt hơn. Ông Lê Đức Hiền, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Như trước đây chúng ta đã có bước phát triển vượt bậc từ sản xuất thủ công sang ứng dụng cơ giới hóa, và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất là điều tất yếu của sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới. Muốn được kết quả ấy, cần sự chung sức thực hiện của người dân, bằng những việc đơn giản nhất là số hóa dữ liệu, cụ thể hơn là ghi chép nhật ký sản xuất, đây là bước cơ bản đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số, từng bước lấy nền tảng dữ liệu phục vụ vào sản xuất của người nông dân. Người dân phải chủ động thay đổi để phù hợp với tình hình sản xuất hiện tại, công nghệ số là chủ đạo trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện nay. Để thực hiện thành công việc chuyển đổi số ngành NN, trước tiên phải có người nông dân số, bởi người dân là chủ thể quyết định đầu vào số hoá và là người ứng dụng, phát huy hiệu quả tối ưu của công nghệ số. Do vậy, các cấp chính quyền địa phương đóng vai trò kết nối, hướng dẫn, người nông dân phải mạnh dạn tiếp cận học hỏi và áp dụng tốt các công nghệ số hiện có”.

Đến nay, kết quả đã thực hiện báo cáo phần mềm vdapes.com đã hoàn chỉnh và đưa vào vận hành chính thức nền tảng chuyển đổi số nông nghiệp, cụ thể các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, OCOP. Qua phần mềm vdapes.com số liệu ngành nông nghiệp đã thông thương các tuyến xã, huyện, tỉnh và từ đó đã định hình được các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, tập trung với qui mô lớn như: lúa, ớt, xoài, cá tra,.... đảm bảo chất lượng về an toàn thực phẩm (đạt trên 80% diện tích sản xuất an toàn theo thông tư 17 và chứng nhận an toàn theo thông tư 38), đạt chuẩn VietGAP (350 ha), có mã số vùng trồng (93 vùng, 198 mã số, diện tích 9.358,6ha bao gồm các loại cây như lúa, ớt, xoài, mít,...), xuất khẩu đi các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc,…. Hiện tại các xã đã ký cam kết theo lộ trình sẽ hoàn thành 100% diện tích lúa, rau màu và cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng đến năm 2025. Hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao và hỗ trợ nhiều hộ nông dân đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử.

Nhằm sớm thực hiện hoàn thành mục tiêu Chuyển đổi số nông nghiệp, ông Phan Văn Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình cho biết: Trong năm 2024, huyện tập trung chỉ đạo điều hành, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp số và thông tin tuyên truyền CĐS trong nông nghiệp cho các cấp, ngành, địa phương, hợp tác xã (HTX), nông dân. Tăng cường truyền thông, mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo, hội nghị về thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp; để giúp ngành nông nghiệp huyện và các nông hộ, HTX, hội quán có bước phát triển đột phá trong xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp số, thương mại điện tử, cấp mã vùng trồng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…đặc biệt hơn nữa là triển khai nhật ký điện tử trong sản xuất nông sản; thiết lập các Website, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực của địa phương, đưa sản phẩm nông nghiệp của huyện lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh, đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án, chính sách về CĐS theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản, phát triển ngành nghề, dịch vụ phụ trợ nông nghiệp. Xây dựng chương trình, dự án thực hiện nhiệm vụ số hóa vùng nguyên liệu xuất khẩu, sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực của huyện trình cấp thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện…”.

         Chuyển đổi số trong nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển theo hướng hiện đại hóa, nâng cao giá trị và tính bền vững. Công cuộc chuyển đổi số trong nông nghiệp đang được các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân huyện Thanh Bình đẩy mạnh nhằm tạo ra sự đột phá về chất lượng, năng suất, đồng thời tăng lợi thế cạnh tranh./.

BT: Kiều Trang