Xuất bản thông tin

null Ông Phan Công Chính trồng lúa an toàn theo hướng hữu cơ

Chi tiết bài viết Tin tức

Ông Phan Công Chính trồng lúa an toàn theo hướng hữu cơ

Thưa Quý vị và các bạn! Mô hình canh tác lúa theo hướng an toàn sinh học đã có tín hiệu khả quan, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, an toàn sức khỏe, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, an toàn, được nhiều nông dân trên địa bàn huyện Thanh Bình áp dụng có hiệu quả, nhằm thay đổi nhận thức, chuyển giao quy trình kỹ thuật, phương thức canh tác theo hướng hữu cơ đến người dân sản xuất. Điển hình như ông Phan Công Chính ở ấp Tân Phú B, xã Tân Bình.

Ông Phan Công Chính phát biểu tại Hội thảo mô hình trồng lúa an toàn theo hướng hữu cơ

Là một nông dân vùng Cù lao Tây, những năm qua, ông Phan Công Chính sản xuất giống lúa thường giá trị thấp, thu nhập bấp bênh. Vụ mùa vừa qua, ông Chính đã chủ động chuyển sang trồng lúa chất lượng cao như: VD20, Jasmin 85 kết hợp quy trình “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” nhằm giảm giá thành chi phí mang lại giá trị kinh tế cao, mua thêm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như: máy cày, máy cắt,… và mua thêm đất để mở rộng sản xuất.

Năm 2000, ông Phan Công Chính có 3ha đất canh tác thì đến năm 2020 diện tích đất trồng lúa liền kề đã tăng lên 12ha. Ông luôn tìm tòi học hỏi kỹ thuật canh tác trong sản xuất nhằm mang lại hiệu quả như: Quy trình cấy lúa bằng máy 3 trong 1, quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, quy trình sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn SRP,… Từ năm 2017, ông Chính đã chọn sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm (được Chi cục trồng trọt tỉnh công nhận) kết hợp với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Từ đó việc sản xuất của ông được thuận lợi và ổn định.

Theo ông Chính, trong quá trình sản xuất lúa thì việc áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, có tác dụng cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái. Về lâu dài sẽ giúp khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa tốt hơn; trong thời kỳ lúa trỗ, ruộng sẽ ít nhiễm rầy, khô vằn, cho bông dài, lúa sạch sâu bệnh, gạo trong, cơm mềm dẻo và có mùi thơm đặc trưng.

Cũng theo ông Chính, phát triển nông nghiệp theo phương pháp canh tác hữu cơ không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe con người mà còn nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác trong việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, bền vững đảm bảo sản phẩm an toàn, môi trường đất nước không bị ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng.

Ngoài các phương pháp trên, ông Chính còn áp dụng các giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất như: Không đốt rơm rạ sau khi thu hoạch mà cài vùi vào đất có thời gian cách ly để phân hủy rơm rạ, nhằm tái tạo hữu cơ tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm thiểu khí thải do đốt rơm rạ để bảo vệ môi trường. Trong chăm sóc không lạm dụng chất hóa học để diệt trừ côn trùng: Diệt Ốc bưu vàng bằng cách thả vịt đàn vào ăn trước khi gieo sạ, sau đó đánh rảnh thoát nước để ốc tập trung thu gom bằng tay. Bón phân theo bảng so màu lá lúa, giảm dần phân vô cơ thay dần hữu cơ để đất có độ phì nhiêu, giúp cây trồng phát triển bền vững, sau khi bón phân, xịt thuốc 10 ngày không xả nước ra cộng đồng, nhằm bảo vệ môi trường trong lành. Trong diệt chuột dùng bẩy bắt, nếu can thiệp bằng thuốc hóa học thì cho bả thuốc vào bọc và che chắn. Thuốc BVTV sau khi sử dụng, các vỏ chai được thu gom về hố chứa rác thải để cơ quan chức năng vận chuyển thiêu hủy. Đồng thời, nhà ở phải có kho cách ly chứa phân bón, thuốc BVTV và khóa cẩn thận, trong nhà phải có tủ thuốc Y tế và nhà vệ sinh tự hoại. Ngoài các giải pháp trên, trong lúc tiếp xúc với thuốc BVTV và trong phun xịt phải luôn đeo khẩu trang, găng tay,...

Từ năm 2018 đến nay, ông Phan Công Chính luôn áp dụng sản xuất gắn bảo vệ môi trường, qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng, hạn chế khí thải và hạn chế biến đổi khí hậu trong thiên nhiên.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ của ông Phan Công Chính bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trong xu thế hiện nay, mô hình này không chỉ tạo ra sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng mà về lâu dài còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải tạo đất và nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm và giảm chi phí đầu tư trong sản xuất.

Nhìn chung, mô hình triển khai đã mang lợi ích nhiều mặt, ngoài hiệu quả kinh tế mang lại mô hình còn có tác động lớn về mặt môi trường – xã hội và nâng cao, thay đổi nhận thức của cộng đồng. Hiện nay, huyện Thanh Bình tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện theo đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với xây dựng quy trình sản xuất lúa sạch. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng lúa, gạo, tạo điều kiện cải thiện và nâng cao thu nhập cho nông dân./.

Kim Thủy