Xuất bản thông tin

null Thanh Bình - Tăng cường các giải pháp cấp bách để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh

Chi tiết bài viết Tin tức

Thanh Bình - Tăng cường các giải pháp cấp bách để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh

Với mục tiêu kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời, tách tất cả F0 trong cộng đồng, ngăn chặn số ca nhiễm mới, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phòng, chống dịch trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Ngày 28/07/2021, UBND huyện Thanh Bình đã ban hành Công văn số: 745/UBND-HC về việc tăng cường các giải pháp cấp bách để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, Uỷ ban nhân dân huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ hức, doanh nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm thực hiện các giải pháp cấp bách như sau:

Test nhanh cho người dân tại xã An Phong

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 26 tháng 7 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Kế hoạch số 20-KH/HU ngày 27 tháng 7 năm 2021của Huyện ủy Thanh Bình. Trong đó, tập trung thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nội dung:

Các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục sắp xếp giảm số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đến cơ quan, đơn vị làm việc cho phù hợp và phải bảo đảm các hoạt động diễn ra bình thường, thông tin, liên lạc phải thông suốt; đồng thời bố trí cán bộ, công chức luân phiên trực trong ngày nghỉ. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cư trú trên địa bàn xã, thị trấn phải thực hiện nghiêm việc nghỉ trưa trong cơ quan, đơn vị; đối với trường hợp cư trú ở huyện, thành phố khác nhưng làm việc ở địa bàn huyện thì cơ quan bố trí, sắp xếp chổ ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; chỉ ra đường khi đi làm hoặc có yêu cầu hết sức cấp thiết, đồng thời vận động gia đình, người dân nghiêm túc chấp hành.

Đối với chợ truyền thống, chỉ được phép hoạt động khi đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, thực hiện nghiêm việc giãn cách giữa người mua và bán, giữa người đi chợ với nhau; chỉ cho phép kinh doanh lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu và giảm quy mô ít nhất 30% cho mỗi buổi nhóm chợ; các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chẵn - lẻ để giảm tối đa lượng người giao dịch; khi có trường hợp dương tính với COVID-19 trong khu vực chợ hoặc không bảo đảm công tác phòng, chống dịch thì phải lập tức đóng cửa chợ để triển khai quy trình công tác phòng, chống dịch.

Các xã, thị trấn, các ngành tăng cường tuần tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch; kiên quyết dừng ngay và xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Tăng cường công tác truyền thông, tránh gây tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch nhưng cũng không gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn căn cứ tình hình thực tế tại địa phương khẩn trương áp dụng các biện pháp phù hợp, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Huyện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý.

2. Nâng cao công tác cách ly y tế, xét nghiệm, điều trị

Công tác cách ly y tế: Đối với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa): Thực hiện triệt để “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”; tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với các hộ gia đình xung quanh. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế, tình huống khẩn cấp. Chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà. Định kỳ thực hiện đánh giá mức độ an toàn tại khu vực phong tỏa và kịp thời gỡ bỏ phong tỏa từng phần đối với những khu vực đảm bảo các điều kiện an toàn nhằm giảm tâm lý cho người dân và giảm áp lực cho lực lượng quản lý khu phong tỏa.

Đối với cơ sở cách ly y tế: Người đang thực hiện cách ly phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường hợp cấp cứu y tế), giữ khoảng cách theo quy định.

Thực hiện thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà: Giao Trung tâm Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu tổ chức thực hiện thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế; có đánh giá, rút kinh nghiệm, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc (nếu có). Công tác xét nghiệm: Trung tâm Y tế phối hợp Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn lập kế hoạch và lộ trình lấy mẫu cho các nhà ở/hộ gia đình, chợ, khu dân cư tập trung, khu vực trên địa bàn để tránh trùng lặp, bỏ sót, phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19, nhanh chóng đưa các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh ra khỏi cộng đồng. Áp dụng phương pháp xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh. Đối với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa): Lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần tại nhà ở/hộ gia đình để xét nghiệm. Thực hiện gộp theo nhà ở/hộ gia đình hoặc tất cả những người sống trong cùng một phòng để xét nghiệm RT-PCR, có thể thí điểm gộp mẫu 3 hoặc mẫu 5 đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh.

Khu vực nguy cơ cao (gần khu vực phong tỏa): Lấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần (có thể tăng tần suất nếu cần) tại nhà ở/hộ gia đình. Các khu vực khác: Thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên của nhà ở/hộ gia đình, trong phòng là người có tần suất tiếp xúc nhiều với các thành viên trong gia đình, trong phòng hoặc người được phép đi ra ngoài nhà (đi lấy thực phẩm, làm nhiệm vụ, làm việc theo yêu cầu...). Thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần các trường hợp có nguy cơ cao tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cụm công nghiệp, người trực tiếp cung cấp các dịch vụ thiết yếu... Trường hợp cần thiết, có thể mở rộng phạm vi, đối tượng xét nghiệm. Thực hiện xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh hoặc tại cộng đồng.

Công tác điều trị: Nhóm người bệnh nhẹ, không triệu chứng: chuẩn bị và sẵn sàng thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu COVID-19 tại Trung tâm Y tế Huyện...

3. Về tiêm vắc xin phòng COVID-19: Tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 an toàn, hiệu quả và đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng, để giảm nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ tăng nặng bệnh và giảm tử vong. Ưu tiên tiêm đủ liều cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, thương, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng và người lao động tại cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tổ chức tiêm tại nhiều điểm tiêm bao gồm các điểm tiêm cố định và lưu động; thực hiện tổ chức tiêm giãn cách theo khung giờ trên nguyên tắc hạn chế tối đa người dân ra ngoài và tập trung tại một địa điểm; yêu cầu người đi tiêm chủng thực hiện giữ khoảng cách, đeo khẩu trang theo quy định.

4. Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động sản xuất: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các công ty trong và ngoài cụm công nghiệp bảo đảm nguyên tắc "03 tại chỗ" tiếp tục, duy trì sản xuất. Các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch triển khai các phương án phòng, chống dịch khi có ca mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, cụm công nghiệp; kiểm tra, giám sát việc thực hiện và tạm dừng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cụm công nghiệp không có hoặc không thực hiện phương án phòng, chống dịch COVID-19. Trung tâm Y tế bố trí lực lượng hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các công ty trong và ngoài cụm công nghiệp trong xét nghiệm COVID-19, công tác y tế phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo yêu cầu vừa sản xuất, kinh doanh, vừa phòng, chống dịch.

Các ngành liên quan tiếp tục phối họp hướng dẫn việc vận chuyển hàng hóa giữa các xã, thị trấn trong Huyện, từng bước phối hợp triển khai trên địa bàn huyện và liên huyện, thành phố theo quy định hiện hành và đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huyện và các tổ chức chính trị - xã hội: theo chức trách, nhiệm vụ phối hợp với Uỷ ban nhân dân Huyện thực hiện có hiệu quả các nội dung theo Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 26 tháng 7 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các nội dung tại Công văn này. Thời gian thực hiện, từ ngày ký văn bản đến khi có thông báo mới./.

                                                                                  Lê Văn Thơm