Xuất bản thông tin

null Thanh Bình tích cực, chủ động trong công tác phòng chống đuối nước trẻ em

HĐND HUYỆN Tin tức

Thanh Bình tích cực, chủ động trong công tác phòng chống đuối nước trẻ em

Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, hằng năm, huyện đã mở được trên 100 lớp phổ cập bơi cho trên 3.100 trẻ em tham gia. Mỗi đợt, có trên 2.600 em biết bơi.  Toàn huyện có 07 hồ bơi tư nhân tại các xã An Phong, Tân Quới, Tân Hòa, Tân Huề và thị trấn Thanh Bình. Riêng xã Tân Bình hồ bơi do tỉnh cấp, các xã khác như: xã Tân Mỹ, Bình Tấn, Bình Thành, Tân Long, Tân Thạnh, Tân Phú hồ bơi làm sắt, lắp ghép để dạy bơi trên cạn.

Tuyên truyền phòng chống Tai nạn thương tích-Đuối nước TE

Hơn nữa, huyện cũng được Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai tổ chức lễ khánh thành bể bơi phòng, chống đuối nước tại trường tiểu học Tân Huề 2, xã Tân Huề. Công trình có tổng diện tích xây dựng trên 308m2, gồm các hạng mục: Hồ bơi, Nhà vệ sinh, Nhà thay đồ. Bể bơi được trang bị, lắp đặt hoàn chỉnh các thiết bị xử lý nước, khung sàn và nhà vòm bảo vệ,… đáp ứng nội dung chương trình giảng dạy bơi trong nhà trường, với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng.

          Tuy nhiên, việc dạy bơi cho trẻ hiện nay vẫn chưa thực sự phổ biến. Tình trạng thiếu bể bơi, không được truyền dạy những kỹ thuật bơi căn bản nên khi gặp những trường hợp bất ngờ, nguy hiểm, trẻ thường lúng túng, không biết xử lý dẫn đến những tai nạn thương tâm. Đặc biệt là đối với một số xã vùng sâu, có nhiều hệ thống sông rạch, kênh đào…… chưa có biển cảnh báo nguy hiểm. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ em ở nhiều nơi còn chưa được chú trọng thực hiện nên tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao. 

Theo báo cáo của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện, năm 2020, huyện Thanh Bình có 02 trẻ đuối nước ở xã Tân Mỹ. Trong 4 tháng đầu năm 2021, huyện xảy ra 02 vụ đuối nước trẻ em ở xã Bình Thành. Cụ thể, ngày 20/03/2021, 03 em nhỏ rủ đi tắm sông ở ấp Bình Định đã làm em Trần Tina, 8 tuổi tử vong vì đuối nước. Ngày 04/4/2021, em Ao Văn Nhựt mới có 04 tuổi ở ấp Bình Trung, xã Bình Thành đi chơi cùng 2 bạn nhỏ khác, té xuống ao tử vong vì đuối nước.

Từ những sự việc trên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ việc đau lòng, chủ yếu là do nhận thức hạn chế của gia đình, của cộng đồng về nguy cơ gây đuối nước trẻ em, thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ và người chăm sóc trẻ.… Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ chưa được thường xuyên, liên tục, môi trường xung quanh trẻ còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Mặt khác, việc thiếu các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em trên địa bàn huyện, nhất là vào dịp hè cũng là một khó khăn.

Để khắc phục những khó khăn đó, huyện đã thường xuyên chỉ đạo các trường tăng cường biện pháp tuyên truyền, phổ biến phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh, gắn với các hoạt động vui chơi, giải trí, trải nghiệm. Việc tổ chức tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trong các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, tổ chức sinh hoạt chuyên đề, thông qua môn giáo dục công dân, phát thanh măng non của Đội TNTP Hồ Chí Minh, thi tìm hiểu, diễn đàn, câu lạc bộ trẻ em...

Mặc dù huyện đã triển khai các biện pháp tuyên truyền, chủ động phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, nhưng với nhiều lí do, các biện pháp này vẫn chưa phát huy hết hiệu quả. Thực tế này, các ngành, các địa phương cần đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc trang bị kỹ năng bơi lội, phòng, chống đuối nước cho trẻ em ngay từ trường học, đặc biệt là trẻ em vùng nông thôn. Hướng dẫn các em cách xử lý các tình huống xảy ra và cần nhất là sự quan tâm sát sao của các bậc phụ huynh, nhất là trong các ngày nghỉ, ngày lễ, dịp nghỉ hè.

          Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các cấp, các ngành vẫn cần hơn nữa sự chung tay, quan tâm của chính mỗi bậc phụ huynh, để việc phòng, chống đuối nước cho học sinh, trẻ em được hiệu quả. Người lớn có làm gương thì trẻ em mới lắng nghe và tự giác trong việc tự nâng cao kỹ năng phòng, chống đuổi nước hoặc tránh xa những nơi nước sâu, nguy hiểm.

          Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành có liên quan trang bị kỹ năng bơi lội, phòng, chống đuối nước cho trẻ em với nhiều hình thức. Huyện và các ngành sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ, không được lơ là chủ quan, phải thường xuyên giám sát trẻ chặt chẽ, không để trẻ tự do vui chơi gần những nơi có mối hiểm họa tiềm tàng tai nạn này./.

                                                          Thuỳ Linh