Xuất bản thông tin

null Điểm sáng thanh niên khởi nghiệp từ Mô hình Nuôi vịt an toàn ở Thanh Bình

Chi tiết bài viết Tin tức

Điểm sáng thanh niên khởi nghiệp từ Mô hình Nuôi vịt an toàn ở Thanh Bình

Thưa QV&CB! Những năm gần đây, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế được đông đảo đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Thanh Bình hưởng ứng. Từ đó, ngày càng nhiều đoàn viên, thanh niên dám nghĩ, dám làm đi lên từ 2 bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi. Điển hình là anh Lê Thanh Quy, sinh năm 1992, ấp Trung, xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, một trong những thanh niên khởi nghiệp khá thành công với mô hình nuôi vịt an toàn sinh học.

           Xuất thân từ một gia đình nông dân, cộng với niềm đam mê và ý tưởng làm kinh tế trang trại sẵn có, Thanh Quy đã quyết định tập trung phát triển kinh tế gia đình từ mô hình chăn nuôi trên chính mảnh đất quê hương. Anh Lê Thanh Quy cho biết, từ những ngày đầu khởi nghiệp, Thanh Quy thuê đất trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi nhưng không thành công, dẫn đến số vốn tích lũy không còn. Thanh Quy lại phải bôn ba đi làm công nhân xưởng gỗ tận Đồng Nai.

Và hành trình quay trở về quê để lập nghiệp lại tiếp tục. Lúc này, Thanh Quy tiếp tục trồng ớt, mua bán ớt để kiếm lời, rồi đến nuôi gà, nuôi vịt; nhận giống gà, vịt tại các cơ sở chăn nuôi để cung cấp lại cho người dân ở địa phương.

Vừa có chút vốn, vừa có kinh nghiệm, từ đó Cơ sở nuôi trồng an toàn Thanh Quy ra đời, với các hoạt động như: Cung cấp gà, vịt thịt; các loại con giống: gà, vịt, ngan. Theo Thanh Quy, sau 3 tháng nuôi vịt có thể suất bán, trọng lượng mỗi con đạt từ 2,2 kg đến 3,7kg. Một con vịt thịt xuất chuồng giá trung bình từ 132.000đ đến 222.000đ. Bình quân 3 tháng, Quy xuất bán 500 con vịt cho thương lái, đến nay trừ chi phí mỗi năm thu nhập khoảng 250 triệu đồng.

Anh Lê Thanh Quy – xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp tâm sự: “Trong quá trình khởi nghiệp ban đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn, qua 1, 2  năm cũng rút được nhiều bày học kinh nghiệm, cũng đạt được nhiều hiệu quả từ môi trường này. Môi trường khởi nghiệp này so với các anh chăn nuôi thả ngoài đồng thì nó quản lý được đầu con tốt hơn, cái mô hình này nuôi sạch, thịt thương phẩm cũng ngon hơn, thị trường cũng ưa chuộng hơn”.

Bên cạnh nuôi vịt an toàn, Thanh Quy còn nghiên cứu và bắt đầu trồng sả để cung cho doanh nghiệp chiết xuất tinh dầu, trồng xen đu đủ để cung cấp trái cho thương lái. Thanh Quy cho rằng, trồng sả lấy tinh dầu chi phí đầu tư thấp nhưng lợi nhuận cao. Theo anh, khoảng 5 tháng thì số sả có thể cung cấp ra thị trường.

Anh Lê Thanh Quy – xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Trồng sả lấy tinh dầu thì em mới trồng khoảng hơn 1 năm nay, thì nó hiệu quả cũng tương đối, thu nhập tương đối cũng khá ổn. Sả này chủ yếu là để làm thư giản với lại nó có tính diệt khuẩn. Bỏ hết chi phí trong năm thì lợi nhuận khoảng 50 triệu đến 60 triệu đồng/7.000m2”.

Anh Lê Văn Thạo – Phó Bí thư Xã đoàn Tân Quới, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trong thời gian qua, bạn Quy cũng tham gia tốt các phong trào của đoàn, là một thanh niên nổi bật về khởi nghiệp của địa phương. Bạn Quy luôn tìm tòi học hỏi và phấn đấu hết mình trong công việc, đặc biệt nhất là mô hình nuôi vịt sạch an toàn. Trong thời gian tới, Xã Đoàn luôn hỗ trợ, đồng hành cùng với bạn Quy trong phong trào khởi nghiệp cũng như là liên kết đầu ra cho sản phẩm”.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, Thanh Quy cho hay, sẽ mở rộng thêm diện tích nuôi và liên kết với các anh có cùng đam mê để mở rộng thị trường. Dự tính sắp tới sẽ mở rộng quy mô từ 500 đến 1.000 con vịt, diện tích khoảng 80m2 cho mỗi chuồng. Ngoài nuôi vịt thịt, Thanh Quy còn nuôi mẫu mô hình vịt đẻ để cung cấp cong giống sạch ra thị trường.

Anh Phan Văn Chiến – Bí thư Huyện đoàn Thanh Bình cho biết: “Xét thấy mô hình của bạn Quy cũng rất là ổn, hàng năm có thu nhập cũng tương đối. Hiện nay, Huyện Đoàn cũng hỗ trợ bạn thêm về vốn để mở rộng diện tích nuôi cũng như là hướng đến đăng ký sản phẩm đảm bảo an toàn để cung cấp cho thị trường. Trong thời gian tới, Huyện Đoàn cũng sẽ nhân rộng mô hình nuôi vịt an toàn của bạn Quy ra cho tất cả các bạn đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện”.

Có thể thấy, mô hình khởi nghiệp từ nuôi vịt an toàn sinh học và trồng sả (loại lấy tinh dầu) của anh Lê Thanh Quy bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả. Đây có thể xem là hướng đi mới cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã Tân Quới, huyện Thanh Bình./.

Kim Thủy