Xuất bản thông tin

null THANH BÌNH: ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH TRONG GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chi tiết bài viết Tin tức

THANH BÌNH: ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH TRONG GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giảm nghèo bền vững là giảm nghèo có tính lâu dài, hạn chế tái nghèo; Giảm nghèo bền vững có ý nghĩa quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, chất lượng cuộc sống của người nghèo, trước hết là ở khu vực vùng sâu; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện.

 

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Thanh Bình đã kịp thời đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Nhờ tiếp cận với đồng vốn tín dụng, mà hàng chục ngàn hộ nghèo, hộ kinh doanh đang khởi nghiệp được vay vốn làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền,  ngụ xã Tân Phú, huyện Thanh Bình – một phụ nữ khởi nghiệp “Các loại mắm cá” được vay vốn từ nguồn vốn NHCSXH chia sẻ:Vay được nguồn vốn của Ngân hàng chính sách tôi rất là mừng, vì có vốn để mua mắm, mua nguyên liệu làm dần dần và quảng bá thêm nên được nhiều chị em ở tỉnh, ở huyện biết đến và  đặt hàng. Cũng cảm ơn Đảng và Nhà nước với Ngân hàng chính sách đã hỗ trợ được vay nguồn vốn để buôn bán làm ăn để vươn lên thoát nghèo”.

Ông Phan Thanh Tâm, Phó Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Thanh Bình cho biết: “Thực hiện, Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu lực, hiệu quả, có tác động tích cực đối với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác là yếu tố then chốt trong thực hiện chương trình giảm nghèo của Huyện”.

Thanh Bình là một huyện vẫn còn nhiều vùng khó khăn, ngân sách Trung ương cấp thông qua hệ thống NHCSXH để cho vay đối tượng chính sách trên địa bàn. Mặt khác, Huyện còn trích ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH huyện để cho vay một số đối tượng trên địa bàn.

Ông Lê Hữu Định, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Thanh Bình cho biết: “Trong 03 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng CSXH huyện Thanh Bình đã cho vay 10 chương trình tín dụng chính sách. Các chương trình tín dụng chính sách đã giúp cho hơn 1.111 hộ thoát nghèo, hộ cận nghèo có vốn để sản xuất kinh doanh, nhằm nâng cao thu nhập; tạo việc làm mới cho gần 2.679 lao động; đã giúp cho 160 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn được đi học tập; xây dựng gần 1.851 công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và xây dựng Nông thôn mới”.

Với nguồn vốn hỗ trợ đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất kinh doanh với mục đích không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Đến nay toàn huyện đã có 4/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Và để nguồn vốn đến tay hộ nghèo cùng các đối tượng chính sách có hiệu quả. Hàng năm, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện đã kịp thời chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH huyện phối hợp với Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn thường xuyên rà soát nhu cầu và tổng hợp nhu cầu vay vốn trình NHCSXH cấp trên giao chỉ tiêu kế hoạch và thực hiện phân khai chỉ tiêu kế hoạch cho các xã để thực hiện cho vay, đảm bảo không tồn đọng, lãng phí vốn. Đơn vị đã chủ động phối hợp với các Tổ chức chính trị - xã hội của huyện chỉ đạo các hội đoàn thể cấp xã, Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ, của tỉnh và địa phương; thực hiện niêm yết công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tại 13 xã, thị trấn.

Ông Phan Văn Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình/ Trưởng Ban đại diện Ngân hàng chính sách xã hội cho biết:Trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định số 401 của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ, năng lực đối với đội ngũ cán bộ của chính sách xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Ban quản lý Tổ Tiết kiệm vay vốn. Hằng năm, huyện cũng cân đối ngân sách để chuyển sang ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội Huyện cho vay Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho các Dự án khởi nghiệp của Huyện, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đầu tư có hiệu quả và trách nhiệm trong việc hoàn trả vốn”.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Bình không chỉ góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện. Đây là tiền đề quan trọng để sớm xây dựng huyện Thanh Bình trở thành huyện Nông thôn mới đến năm 2025.

                                                                                                               Kiều Trang