Xuất bản thông tin

null PS-Hiệu quả cao từ Mô hình Sinh kế mùa lũ

HĐND HUYỆN Tin tức

PS-Hiệu quả cao từ Mô hình Sinh kế mùa lũ

            Thưa quý khán giả! Các mô hình sinh kế của Tiểu Dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười”, tạo điều kiện sản xuất, giúp nông dân lựa chọn được các loại hình sinh kế trong mùa lũ một cách thích hợp nhất, đó là tận dụng nguồn nước lũ để nuôi cá đồng, trữ cá tự nhiên và sẽ thu hoạch sau khi lũ rút. Mô hình đã mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho người dân địa phương, bảo đảm ổn định an sinh xã hội trong mùa lũ.

          Ông Nguyễn Văn Dũng ở ấp 3, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình là một trong những nông dân được Dự án hỗ trợ thực hiện mô hình 2 lúa – 1 cá đồng, cá tự nhiên. Với diện tích 10ha, vụ Đông Xuân và Hè Thu năm 2020, ông Dũng chọn loại giống lúa OM 5451 để canh tác. Mỗi vụ, ông xuống giống bằng phương pháp cấy với 60kg/ha. Bên cạnh đó, ông đã áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên đã tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn. Kết quả lúa đạt năng suất 8,5 tấn/ha, giá bán 6.000đ/kg. Sau khi trừ chi phí, ông thu lợi nhuận trên 33 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình trên 15 triệu đồng/ha. Trong năm 2020, ông Dũng còn kết hợp nuôi trữ cá trên ruộng trong mùa lũ, với 120.000 con cá lóc. Sau khi thu hoạch, năng suất cá ước đạt 26 tấn, doanh thu đạt hơn 620 triệu đồng, lợi nhuận sau chi phí trên 100 triệu đồng. Tính chung, hiệu quả qua 1 năm thực hiện mô hình 2 lúa – 1 cá, ông Dũng thu lợi nhuận trên 400 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh  Đồng Tháp phấn khởi bày tỏ: “Từ khi thực hiện mô hình sinh kế mùa lũ gọi tắt là WB9, thì rất là hiệu quả từ việc sản xuất lúa cho tới tận dụng cá thiên nhiên để thực hiện trong mùa lũ. Nói chung nó có hiệu quả hơn so với những mô hình bên ngoài. Bởi thực hiện theo mô hình này được các nhà khoa học, các ngành chuyên môn hướng dẫn cho nên làm cũng rất là dễ”.

Cùng với ông Dũng, năm 2020, anh Trần Thanh Phong, ngụ ấp 2, xã Phú Lợi đã thực hiện mô hình sinh kế mùa lũ bằng hình thức canh tác 2 rau màu – 1 cá đồng, cá tự nhiên, trên tổng diện tích 3ha. Thời điểm này, 2 vụ rau màu đã thu hoạch xong và cũng đã cho năng suất khá cao. Hiện vụ thứ 3 này, anh nuôi cá lóc và trữ cá tự nhiên. Anh Phong đắp đê bao lửng, bao lưới quanh ruộng để giữ lại nguồn cá tự nhiên từ nguồn nước lũ tràn vào. Bên cạnh đó, 10.000 con cá lóc được nuôi trước đó, ước năng suất đạt 3,6 tấn cũng được anh chuẩn bị xuất bán với giá 29.000đ/kg, anh Phong có thu nhập gần 18 triệu đồng.

Anh Trần Thanh , xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh  Đồng Tháp chia sẻ: “Hiệu quả của sinh kế mùa lũ này thì mình làm cũng rất ngon. So với bên ngoài, mô hình sinh kế mùa lũ này trong khu tôi làm lợi nhuận cũng rất cao, điểm thứ nhất là mình nuôi con cá thì giảm được lượng thức ăn, mô hình còn được sự giúp đỡ của bên WB9 rất nhiều nên tôi cũng rất phấn khởi. Sắp tới tôi tham gia mô hình xuyên suốt luôn”.

Đồng Tháp đã chọn Thanh Bình là 1 trong 4 huyện của tỉnh thực hiện mô hình sinh kế mùa lũ thuộc Dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười” – gọi tắt là Dự án WB9. Huyện Thanh Bình đã chọn 3 hộ dân tại xã Phú Lợi để thực hiện Dự án này với tổng diện tích 25ha. Hiện người dân tham gia các mô hình sinh kế rất phấn khởi, tính hiệu quả cũng rất khả quan. Những mô hình này đã góp phần giảm diện tích sản xuất 3 vụ của huyện.

Ông Nguyễn Văn Kẹm – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đánh giá: “Qua 3 năm thực hiện 2 loại hình “2 lúa-1 cá đồng, cá tự nhiên và mô hình 2 màu - 1 cá” đã mang lại hiệu quả cho bà con nông dân. Qua thực hiện giảm được lượng giống, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc BVTV trên đồng ruộng. Hướng tới cũng tuyên truyền cho nông dân làm chứng nhận an toàn trên sản phẩm lúa tại 2 ô đê bao số 6, số 7 và tuyên truyền đến nông dân hạn chế bắt cá ngay từ đầu vụ, để tái tạo lại nguồn thủy sản ngay từ trên đồng ruộng và trong mô hình”.

Mô hình sinh kế mùa lũ đang được huyện Thanh Bình triển khai, nhân rộng tại địa phương một cách phù hợp và hiệu quả. Bởi mô hình dễ thực hiện, không tốn quá nhiều chi phí, đặc biệt tính rủi ro không cao, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi trong nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho cộng đồng người dân vùng dự án./.

Kim Thủy