Xuất bản thông tin

null Khi Ý Đảng hòa hợp lòng dân

Chi tiết bài viết Tin tức

Khi Ý Đảng hòa hợp lòng dân

          Sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Thanh Bình đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng nông thôn không ngừng được đầu tư xây dựng phục vụ dân sinh, mọi mặt đời sống của người dân ngày một phát triển. Kết quả này, chính là sự hội tụ ý Đảng hoà hợp lòng dân, tạo nên bức tranh nông thôn mới Thanh Bình từng ngày một tươi sáng.

          Còn nhớ ngay từ đầu tháng 5 năm 2016, Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện Thanh Bình đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU về xây dựng nông thôn mới, giai đọan 20162020. Lúc bấy giờ, huyện Thanh Bình đang là một Huyện nằm trong top nghèo của Tỉnh, có điểm xuất phát thấp, cố gắng lắm mới thực hiện được 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đó là Tân Bình và Bình Thành. Trong khi hầu hết các xã còn lại đều xuất từ điểm thấp. Bình quân mới đạt 5 đến 7 tiêu chí.

          Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020, khó khăn chồng khó khăn. Trong khi việc thực hiện một Chương trình MTQG đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn, có sự đóng góp lớn về công sức, tiền bạc của người dân, khiến cả hệ thống chính trị địa phương rối như tơ vò, không biết phải bắt đầu từ đâu. Làm sao, để thay đổi nhận thức cho người dân từ trông chờ, ỷ lại sang tự nguyện, xung phong, dâng hiến,...

          Xác định mưa dầm thấm sâu, Huyện uỷ, UBND huyện Thanh Bình tiếp tục ban hành Đề án phát triển giao thông nông thôn huyện đến năm 2020, đồng thời ban hành nhiều công văn, kế hoạch để triển khai thực hiện. Cụ thể là Công văn số 23/BCĐ, ngày 11/01/2016 về việc phối hợp và tăng cường thực hiện các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 183/QĐ-UBND-TL, ngày 23/03/2016 về việc thành lập lại Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện giai đoạn 2016 – 2020.v.v… Theo đó, các cấp uỷ, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã tiến hành tổ chức triển khai, quán triệt và cụ thể hoá chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của từng địa phương và nhanh chống tiến hành củng cố thành lập Ban chỉ đạo, ban quản lý và ban phát triển ấp để bắt tay vào thực hiện. Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đã ra sức nổ lực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước, từng bước một, nhằm làm thay đổi nhận thức của người dân. Thông qua việc tuyên truyền, bà con đã hiểu, đã tự nguyện, tự giác bắt tay thực hiện cùng các cấp uỷ, chính quyền địa phương bằng nhiều giải pháp thiết thực. Cụ thể như: hiến đất, hiến vật kiến trúc, đóng góp ngày công, đóng góp tiền để xây dựng cầu đường nông thôn.v.v… Mục tiêu của người dân cũng như của các địa phương là sớm đưa các xã vươn lên đạt chuẩn xã nông thôn mới, rồi đến xây dựng NTM nâng cao.

          Nghị quyết chuyên đề của huyện uỷ về xây dựng nông thôn mới, cũng xác định vấn đề then chốt đặt ra là cần có sự đồng thuận từ cấp ủy, chính quyền và mỗi người dân, rồi xây dựng lộ trình, bước đi thích hợp, với mục tiêu là nâng cao chất lượng đời sống người dân và làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới. Để thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả, Ban Thường vụ huyện uỷ Thanh Bình đã chỉ đạo và phân công các thành viên trong Ban chỉ đạo, bám sát cơ sở, giúp các cấp ủy Đảng các xã nhanh chống rà soát, đánh giá chặt chẽ các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí giao thông. Tiêu chí này, đã được các xã trên địa bàn huyện triển khai thực hiện trên tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Kết quả, qua 5 năm, huyện huy động các nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc, vốn hỗ trợ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện hơn 940 tỷ đồng để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tăng 246,1 tỷ đồng, so với nhiệm kỳ trước. Trọng tâm là hạ tầng giao thông và phát triển đô thị.

          Đối với Đề án phát triển giao thông, huyện đã tập trung phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, kết nối giao thông giữa các trung tâm xã với huyện và các huyện lân cận; giữa các đầu mối giao thông cửa ngỏ, đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải và giao thông đường bộ. Qua 5 năm thực hiện, Đề án phát triển giao thông trên địa bàn huyện Thanh Bình đã đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài 660,67 km. Trong đó, đầu tư nhựa hoá, bê tông hoá mặt đường, đường cấp phối 340,418 km, chiếm tỷ lệ 51,37%.  Hầu hết các tuyến đường có bề rộng từ 4 mét đến 7 mét, kết hợp với đê bao ven hệ thống kinh rạch. Cụ thể, các tuyến đường bộ như: đường An Phong – Mỹ Hoà, đường Tân Thạnh – Phú Lợi, đường An Phong – Phú Thành (Tam Nông). Huyện cũng hoàn thành xây dựng Cầu Tân Long – Chợ mới và nâng cấp đường dẫn bến đò Doi Lửa.v.v… tất cả được đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả. (Ảnh: Thị trấn Thanh Bình trên đường phát triển).

          Về cầu, huyện đầu tư xây dựng 79 cây cầu bằng bê tông cốt thép. Trong đó, có 52 cây cầu có trọng tải 5 tấn, 27 cây cầu có trọng tải dân sinh dưới 3 tấn. Tổng kinh phí 726.454 triệu đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp 201.430 triệu đồng. Nhờ đó, hạ tầng giao thông phát triển đường bộ ở các địa phương trong huyện đã có sự phát triển vượt bật và đạt tiêu chí về phát triển giao thông. Kết quả này, đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khơi dậy được niềm tin và sự tích cực hưởng ứng trong mỗi người dân. Cán bộ, đảng viên cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao.

          Theo số liệu thống kế, 05 năm qua từ năm 2016 - 2020, huyện Thanh Bình đã huy động hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Trong tổng nguồn lực đó, sự đóng góp của nhân dân là rất lớn, chiếm tỷ trọng 27,68%, so với vốn hỗ trợ đóng góp của các tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Ngoài ra, nhân dân còn hiến hơn 948.430 mét khối đất, gần 9.800 ngày công lao động và di dời vật kiến trúc.v.v… trị giá hơn 7 tỷ đồng. Điều này cho thấy, việc xây dựng nông thôn mới là công việc của dân, lấy sức dân để lo cho dân. Tinh thần ấy đã được cụ thể hoá trong chỉ đạo điều hành ngay khi huyện bắt tay vào thực hiện. Hơn nữa, để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, hợp lòng dân, các cấp Đảng, chính quyền từ huyện đến xã đã định hướng nhiều cách làm phù hợp để các tầng lớp nhân dân đồng hành tham gia chung tay góp sức,…

          Bà Nguyễn Thị Hiền, Bí thư huyện ủy Thanh Bình khẳng định: “Sau 05 năm xây dựng NTM, thành quả lớn nhất mà địa phương đạt được là sự thay đổi tư duy nhận thức của cán bộ và người dân về sự tự giác, chủ động vào cuộc, tổ chức thực hiện Chương trình. Đây chính là cơ sở, tiền đề quan trọng để Thanh Bình tiếp tục thực hiện đạt mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và huyện đạt chuẩn nông thôn mới”.

          Có thể nói, trong thực hiện, huyện Thanh Bình đã chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng các tiêu chí nông thôn mới. Làm sao để việc xây dựng nông thôn mới hợp lòng dân. Tính đến cuối tháng 9 năm 2020, các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới của huyện Thanh Bình giai đoạn 2016 - 2020 đều đạt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra. Cụ thể, đầu năm 2020, huyện có 2 xã điểm Tân Long và Bình Tấn đạt chuẩn xã nông thôn mới. Nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong toàn huyện lên 4 xã. Trong đó, có 2 xã nông thôn mới thực hiện nâng cao các tiêu chí là Tân Bình và Bình Thành. Các xã điểm giai đoạn 2016 – 2020 cơ bản đạt 19/19 tiêu chí. Các xã diện, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.

           Xác định phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng gắn với thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/HU của huyện uỷ về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020, thời gian qua, Huyện uỷ, UBND huyện Thanh Bình chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền địa phương cụ thể hoá Kế hoạch số 200/KH-UBND, ngày 09/12/2014 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Kế hoạch số 66/KH-UBND của UBND huyện về cải tạo vườn tạp giai đoạn 2016 – 2020 thành nhiều chủ trương để lãnh đạo, chỉ đạo. Hưởng ứng chủ trương trên, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể các cấp và nhân dân trên địa bàn huyện cũng đã tích cực vào cuộc. Nhờ vậy, kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của huyện Thanh Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

          Nông nghiệp đã có bước phát triển khá ổn định và toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề. Tốc độ tăng trưởng của ngành nông, lâm, thuỷ sản đạt 4.733 tỷ đồng , đạt 85,5%, tốc độ tăng 2,04%. Sản lượng lúa  bình quân đạt 332.981 tấn, đạt 100,9%. Hoa màu và cây công nghiệp ngày đạt 5.658 hécta. Cây trồng chủ lực là ớt, bắp và các loại cây trồng khác. Đặc biệt là diện tích vườn cây ăn trái, từ 742 hécta vườn cây ăn trái năm 2015, đến nay, toàn huyện có tổng diện tích vườn cây ăn trái lên hơn 1.705 hécta. Tập trung nhiều nhất là các xã cù lao tây và vùng ven lộ. Trong đó, xã Tân Hoà có 43 hécta đạt chứng nhận VietGap và được tỉnh cấp mã vùng trồng cho 1.185 hécta/1.760 hộ.

          Trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, người dân cũng từng bước chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, nâng dần diện tích sản xuất lúa và hoa màu chất lượng cao, gắn với nhu cầu của thị trường, từng bước đưa nông sản phát triển theo hướng an toàn, tăng năng suất, chất lượng và đạt hiệu quả kinh tế cao. Giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2019, đạt 115,9 triệu đồng/ha/năm, tăng 1,4 lần so với năm 2015 (80 triệu đồng/ha/năm). Diện tích vườn cây ăn trái, nuôi cá da trơn.v.v… ngày càng được mở rộng diện tích và được thực hiện theo chuẩn VietGap, đăng ký mã vùng, vị trí địa lý,... Tuy chưa nhiều, chỉ chiếm 14,5% tổng diện tích đất sản xuất trên địa bàn huyện nhưng phần nào khẳng định tính năng động, sáng tạo của người nông dân trong chuyển đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Việc đưa các giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế vào sản xuất gắn với việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật là một trong những nhiệm vụ được huyện uỷ, UBND huyện Thanh Bình quan tâm chú trọng. Nhờ đó, việc đưa nhiều giống cây trồng và rau màu vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp,...

          Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện cũng hình thành các vùng chuyên canh tập trung các loại nông sản thế mạnh. Đến nay, huyện đã có vùng chuyên canh màu các xã cù lao Tây với diện tích hơn 966 hécta, với các cây trồng chủ yếu như: cây ớt, cây bắp, đậu xanh, đậu nành.v.v… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, thu nhập người dân được nâng lên một bước đáng kể. Nếu như 5 năm trước, thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/người/năm, đến năm 2020 tăng lên hơn 50 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,36% so với tổng số hộ nghèo.

          Hiện tại, huyện có gần 1.800 mô hình mô hình sản xuất nông nghiệp như: chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản; mô hình sản xuất liên kết sản xuất gắn tiêu thụ lúa, mô hình trồng hoa màu trong nhà lưới; mô hình nuôi gà theo công nghệ Đức, mô hình nuôi heo rừng và mô hình khởi nghiệp của các tổ chức hội, đoàn thể và 9 mô hình hội quán mang ở các xã, thị trấn. Đặc biệt, là mô hình phát triển sinh kế mùa nước nổi xã Phú Lợi, mô hình liên kết sản xuất của Hợp tác tác nông nghiệp Tân Bình, mô hình Nông Tân hội quán hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất xã Tân Long.v.v… Các mô hình này, bước đầu mạng lại hiệu quả cao trong nông dân. Chỉ tính riêng ngành nông, lâm, thuỷ sản trong 5 năm thực hiện được 4.733 tỷ đồng, đạt 85,5%; tốc độ tăng 2,04%.

          Một trong những mô hình phải kể đến là mô hình sinh kế mùa nước nổi của ông  Nguyễn Văn Châu ở ấp 4, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Năm 2018, ông Nguyễn Văn Châu, được dự án Nâng cao khả năng thoát lũ và ổn định sinh kế, thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng Tháp Mười hỗ trợ thực hiện mô hình 2 lúa - 1 cá. Mùa nước năm 2019, ông Châu không bỏ trống diện tích đất 12ha như những năm trước, sau khi thu hoạch lúa, ông nuôi cá lóc và trữ cá tự nhiên. Bằng cách đắp đê bao lửng, bao lưới quanh ruộng, ông Châu giữ lại nguồn cá tự nhiên từ nguồn nước nổi tràn vào, đồng thời thả vào ruộng hơn 20 ngàn con cá lóc trọng lượng 300 - 400gram.

          Ngay vụ đầu tiên, ông Châu thu được lợi nhuận đáng kể với hơn 15 tấn cá các loại, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 120 triệu đồng. Ông Châu phấn khởi nói: “Tận dụng nước lũ về để nuôi cá đồng, vừa phù hợp với điều kiện hiện nay lại còn tăng thêm thu nhập đáng kể”.

          Kế đến là mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tân Bình, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Mô hình có quy mô toàn xã với trên 1.000 thành viên, hoạt động theo mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp đa ngành nghề, đa hình thức hợp tác. Bên cạnh việc đa dạng hóa dịch vụ sản xuất, HTX còn thực hiện mô hình cánh đồng lớn.

          Ông Phan Công Chính - Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Bình cho biết: “Được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, nhất là Liên minh HTX tỉnh đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện hoạt động thuận lợi, HTX đã và đang tạo điểm tựa vững vàng cho thành viên liên kết trong phát triển sản xuất. HTX đã hình thành được vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, thu hút doanh nghiệp đến hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua. HTX cũng không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh dịch vụ giống cây trồng, tín dụng nội bộ nhằm phục vụ sản xuất và đời sống thành viên”.

          Từ thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh các năm qua, HTX nông nghiệp Tân Bình đã có thành công rõ nét, doanh thu liên tục tăng từng năm, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên và góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện.

          Mô hình “Đi làm thuê về làm chủ”, thông qua vận động lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đến nay, huyện Thanh Bình đã có nhiều cá nhân đi làm việc ở nước ngoài với thu nhập khá tốt, điển hình là anh Lã Thanh Vân (SN 1991) ngụ ấp 3, xã Bình Tấn. Trước đây, hoàn cảnh gia đình anh vô cùng khó khăn, không có việc làm ổn định, qua sự vận động, định hướng của địa phương, anh Vân mạnh dạn đăng ký đi làm việc có thời hạn tại Nhật từ tháng 11/2016 - 11/2019, công việc là hàn tiện.

          Anh Vân phấn khởi cho biết: “Nhờ đi lao động ở nước ngoài mà gia đình tôi có cuộc sống khấm khá hơn. Do là lao động phổ thông nên thu nhập của tôi không nhiều như những người khác, bình quân chỉ khoảng 15 – 20 triệu đồng/tháng. Nhưng nhờ siêng năng và chi tiêu vén khéo nên sau 3 năm tôi đã trả hết nợ vay và còn tích lũy được hơn 400 triệu đồng. Tôi đã cất nhà mới khang trang và mở cơ sở kinh doanh (hàn tiện, tủ nhôm), cuộc sống hiện nay rất tốt”.

          Về Thanh Bình hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàn khi nhìn thấy những công trình phố thị đang ngày đêm thi công xây dựng. Những công trình cầu đường nông thôn thông thoáng, tươi sáng và rộng mở. Đó đây những ngôi nhà tường san sát mộc lên. Công trình trường học, trạm y tế, chợ,… được xây dựng khang trang, đời sống của người dân được nâng lên một bước đáng kể. Đó là kết quả từ sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới. Chứng tỏ nông thôn mới huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đã trở thành một phong trào lan tỏa, rộng khắp trong nhân dân. (Ảnh: Cảnh quan thị trấn Thanh Bình).

          Xã Bình Tấn, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) là một minh chứng trong xây dựng nông thôn mới. Những năm trước đây, Bình Tấn là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn, đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn. Mạng lưới cơ sở hạ tầng nông thôn như: đường, trường học, trạm y tế, chợ chậm phát triển. Hàng năm, khi nước lủ thượng nguồn đổ về làm ngập lụt, gây thiệt hại nặng về cơ sở vật chất và tài sản của nhân nhân. Thực hiện chủ trương xây dựng xã nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã Bình Tấn đã nhanh chống bắt tay xây dựng kế hoạch, tiến hành triển khai, quán triệt trong cán bộ, đảng viên một cách sâu sắc. Theo đó, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, hội viên và nhân dân để mọi người dân cùng hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng xã nông thôn mới theo phương châm: “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”. Trong đó, người dân là chủ thể hưởng thụ.

          Mặc dù là xã khó khăn, có điểm xuất phát thấp, nhưng Đảng uỷ, Chính quyền địa phương xã Bình Tấn đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt bằng cả hệ thống chính trị, cho dù có khó khăn, tốn nhiều kinh phí, chính quyền và nhân dân cũng tìm được cách giải quyết, tập trung thực hiện hoàn thành từng bước các tiêu chí đề ra theo lộ trình. Đặc biệt, là khơi dậy được các nguồn lực tại chỗ trong nhân dân. Toàn xã, đã huy động trên 58 tỷ 605 triệu đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 11 tỷ 511 triệu đồng và 2.390 ngày công lao động để xây dưng các công trình phúc lợi công cộng như: cầu nông thôn, đường làng nông thôn, trường học, trạm y tế, điện, nước sạch,...

          Ông Nguyễn Văn Chinh, cư ngụ khóm Tân Đông A, thị trấn Thanh Bình, một trong những người có đất sản xuất nông nghiệp ở xã Bình Tấn. Ngay khi biết địa phương triển khai làm đê bao khép kín để giúp nông dân thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập gắn với làm lộ nông thôn, ông Chinh không chần chừ, mạnh dạn tuyên bố: “Việc làm đê bao khép kín và làm đường mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân mình, gia đình tôi sẽ tiên phong hiến đất để Nhà nước làm đê bao và làm đường”. Và thực tế, gia đình ông đã hiến 3.000m2 đất đang canh tác lúa để làm đê bao gắn với lộ làng nông thôn tại Tổ 1, Ấp 1, xã Bình Tấn - một trong những xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào đầu năm 2020.

          Ông Nguyễn Bé Tám, ấp 1 xã Bình Tấn cũng cho biết: “Trước đây đường giao thông liên ấp ở Bình Tấn chỉ đủ tránh 2 chiếc xe đạp, lổm nhổm ổ gà. Trời mưa xuống chạy xe phải dẫn bộ. Nhưng sau khi chính quyền địa phương phát động xây dựng nông thôn mới, bà con ở đây rất mừng và tham gia bằng nhiều hình thức như: đóng góp tiền nông, công sức để làm các tuyến đường kênh liên ấp, liên xã đã thông suốt. Bây giờ, không chỉ xe hon da, xe máy mà cả ô tô cũng có thể chạy băng băng đến nhà. Suy cho cùng, nếu không có xây dựng nông thôn mới, chắc chắn đường sá xã Bình Tấn không thể khang trang được như bây giờ”.

          Anh Nguyễn Văn Phược, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình Tấn phấn khởi cho biết: “Xã nghèo Bình Tấn đạt chuẩn đạt chuẩn nông thôn mới phải kể đến sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Để có điều này, từ những ngày đầu xã Bình Tấn đã đẩy mạnh công tác tuyên tuyên truyền ý nghĩa của chương trình, có những cơ chế hỗ trợ và phát triển sản xuất cho nhân dân. Xác định lấy sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương  đã chỉ đạo quyết liệt. Tiêu chí nào khó làm trước và theo lộ trình kế hoạch kế hoạch đề ra. Phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” được nhân dân ủng hộ, đồng tình, sẵn sàng hiến đất mở rộng đường giao thông và các công trình hạ tầng theo tiêu chí. Đổi lại, xã cũng chú trọng phát triển hạ tầng y tế, giáo dục, công trình văn hóa... để phục vụ nhân dân”.

          Ngày 25/06/2020 xã Bình Tấn làm lễ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, bà con ai nấy đều phấn khởi, vui mừng. Bởi đây là sự kiện quan trọng ghi nhận những thành quả đóng góp trong suốt thời gian qua mà cán bộ, đảng viên và nhân dân xã nhà nỗ lực phấn đấu đạt được. Song để giữ vững danh hiệu xã Nông thôn mới và những kết quả trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và quốc phòng an ninh là việc làm không dễ dàng, đòi hỏi nhân dân trong xã phải phấn đấu hơn nữa, phát huy vai trò tự chủ và ý thức tự giác của toàn dân, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thời gian đến. Tích cực đổi mới và thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền vận động Nhân dân nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới ngày càng bền vững hơn, gắn với phát triển về đời sống vật chất, phong phú về tinh thần và xây dựng một môi trường ổn định về an ninh chính trị, đảm bảo về trật tự an toàn xã hội. Mục tiêu là làm thay đổi hơn nữa bộ mặt nông thôn của vùng quê Bình Tấn. (Ảnh: Lễ công nhận xã Nông thôn mới Bình Tấn).

          Ở xã Tân Long, một trong những xã thuần nông vùng cù lau Tây, kinh tế còn có nhiều khó khăn, đời sống của người dân còn thiếu thốn. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết một lòng của nhân dân đã giúp Đảng bộ, Chính quyền xã Tân Long thực hiện từng bước, hoàn thành 19/19 tiêu chí và được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thành quả này, chính là sự kết hợp giữa ý Đảng lòng dân. Người dân rất phấn đấu cùng đảng bộ, chính quyền xã tiếp tục xây dựng các tiêu chí của xã Nông thôn mới nâng cao trong những năm tới.

          Nói về sự đồng hành của người dân với đảng ủy và chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Thật, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết: “Xã Tân Long đạt chuẩn nông thôn mới, phải kể đến sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Để có điều này, Đảng uỷ xã đã xây dựng kế hoạch, lộ để thực hiện các tiêu chí. Đồng thời, xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu được ý nghĩa của việc xây dựng Nông thôn mới. Theo đó, phong trào “Chung sức xây dựng Nông thôn mới” được nhân dân ủng hộ, giúp xã đã huy động được nhiều nguồn lực và ngày công của nhân dân. Hàng chục hộ dân đã đồng tình, sẵn sàng hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn và các công trình hạ tầng theo tiêu chí. Đổi lại, xã cũng chú trọng phát triển hạ tầng y tế, giáo dục, công trình văn hóa... để phục vụ nhân dân”.

          Dạo quanh một vòng xã Tân Long, đi đến đâu, chúng ta cũng cảm nhận rõ diện mạo của xã thay đổi không ngừng. Dấu ấn rõ nét nhất về sự đổi thay nhanh về hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn các ấp sau 05 năm thực hiện. Từ năm 2016 đến nay, toàn xã có 12,7 km tuyến đường nông thôn liên xã, đường từ trung tâm xã đến huyện được bê tông hoá, nhựa hoá. Có 17km đường trục ấp, liên ấp, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng được đầu tư xây dựng. Điện lưới quốc gia đến nay đã phủ kín 100% các ấp, vừa cải thiện điều kiện sống và vừa tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập người dân. Hệ thống trường, lớp học được chú trọng đầu tư, góp phần bảo đảm tốt điều kiện học tập, nâng cao chất lượng dạy và học. Người dân nơi đây đang phấn khởi trước những kết quả đạt được và tiếp tục chung tay xây dựng để quê hương ngày càng phát triển. (Ảnh: Cầu Tân Long – Chợ Mới, An Giang).

          Ông Cao Tấn Phát ở ấp Tân Thạnh, xã Tân Long cho biết: “Người dân chúng tôi rất vui mừng trước những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hiện nay, bộ mặt nông thôn đã thay đổi, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Gia đình tôi cũng như người dân ở đây cũng ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương, làm cho bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã ngày càng khởi sắc”.

          Trong công tác phát triển sản xuất, xã Tân Long đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm cho sản xuất nông nghiệp không ngừng phát triển. Theo đó, xã cũng tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh màu với diện tích 100 hécta và cây ăn trái của 04 tiểu vùng, bao gồm:  ấp Thạnh An, ấp Tân Hội, ấp Tân Thạnh và Tân Phú.v.v... Khi sản xuất đến ngày thu hoạch, không khí ngày mùa rất nhộn nhịp, từ việc lao động, đến việc giao thương, mua bán diễn ra khá rộng ràn, góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn kiếm thêm thu nhập ổn định cuộc gia đình.        

          Chúng tôi đến Nông Tân Hội quán ở xã Tân Long, một trong những nơi có mô hình tập hợp nông dân lại với nhau, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất khá hiệu quả. Từ khi thành lập đến nay, thành viên của Hội quán được tập huấn nhiều chuyên đề trồng cây ăn trái, kỹ thuật trồng xoài, ớt, mít; cách xử lý xoài ra hoa trái vụ và được tiếp cận chính sách hỗ trợ của tỉnh về tích tụ ruộng đất, vay vốn,...

          Qua thời gian hoạt động, Hội quán đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân địa phương. Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ nhiệm Nông Tân Hội quán cho biết: “Để nguồn hàng trái cây tiếp cận với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Hội quán đang triển khai trồng trên 15ha xoài theo hướng VietGAP và đăng ký mã vùng, mã vạch. Chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ, tiếp sức của các cấp chính quyền, nhà khoa học và doanh nghiệp để Hội quán sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên”. (Ảnh: Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp dự lễ ra mắt Nông Tân Hội Quán xã Tân Long).

          Nhìn hệ thống hạ tầng khang trang, chứng kiến cảnh đời sống kinh tế của người dân và những đổi thay hiện tại của xã Tân Long huyện Thanh Bình, chúng tôi nghĩ, một ngày không xa, xã Tân Long huyện Thanh Bình sẽ còn tiến xa hơn nữa. Bằng sự kết hợp hài hòa và đồng bộ các giải pháp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Long đã tạo nên sự khởi sắc ở một xã vùng cù lao Tây với bức tranh nông thôn tươi sáng. Có được kết quả đó, là thành quả của “ý Đảng hoà hợp lòng dân” đã hợp thành một, biến những Nghị quyết của Đảng trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống.

          5 năm xây dựng nông thôn mới, là 5 năm diện mạo nông thôn ở Thanh Bình không ngừng đổi thay. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Mục tiêu của huyện từ nay đến cuối năm 2020, có 07 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Đến năm 2025, huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Tin rằng với những bước đi đúng đắn, phù hợp, Thanh Bình sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra./.

Lê Văn Thơm