Phát huy hiệu quả từ “Điểm sinh hoạt, vui chơi thiếu nhi”
Nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho các em học sinh, nhi đồng, ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, trong thời gian qua Hội đồng Đội tỉnh Đồng Tháp đã trích một phần kinh phí của phong trào "Kế hoạch nhỏ" để xây dựng nhiều điểm vui chơi, giải trí rất thiết thực và ý nghĩa. Trong đó, Hội Đồng Đội xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình được tỉnh Đoàn chọn làm điểm Mô hình Điểm sinh hoạt thiếu nhi cộng đồng. Mô hình bước đầu phát huy được hiệu quả và được sự đón nhận tích cực từ phía phụ huynh và học sinh.
Mô hình Điểm sinh hoạt thiếu nhi cộng đồng được ra mắt vào ngày 11/6/2023 tại Khu di tích Đền thờ Thượng tướng Quận công Trần Văn Năng thuộc ấp Nam, xã Tân Thạnh. Thời gian sinh hoạt định kỳ vào lúc 16 giờ đến 17 giờ thứ bảy hàng tuần, Theo đó, Hội đồng đội xã cùng với các giáo viên Tổng phụ trách đội sẽ tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho các em thiếu nhi trên địa bàn Xã với các loại hình trò chơi như: tổ chức hát, múa, sinh hoạt tập thể, câu hỏi đố vui; diễn dàn đối thoại với thiếu nhi; biểu diễn tiểu phẩm tuyên truyền; các buổi tập huấn, tuyên truyền phòng, chống đuối nước, tai nạn tương tích và xâm hại trẻ em; tuyên truyền và thi hái hoa dân chủ về các ngày lễ lớn…
Từ khi Điểm sinh hoạt đưa vào hoạt động các em thiếu nhi trên địa bàn xã rất hào hứng và vui mừng. Em Nguyễn Quốc Thịnh, học sinh trường Tiểu học Tân Thạnh 1 nói:“Từ khi có điểm sinh hoạt này, em thường xuyên đến chơi và em thích nhất là trò chơi biểu diễn tiểu phẩm, em rất thích những trò chơi ở đây”.
Các em tham gia các trò chơi tại điểm sinh hoạt
Mô hình Điểm sinh hoạt thiếu nhi cộng đồng không chỉ nhận được sự đón nhận từ các em học sinh mà nhiều phụ huynh ở địa phương cũng rất phấn khởi và thường xuyên dành thời gian đưa con em mình đến tham gia các hoạt động vui chơi để các em phát triển toàn diện hơn cả về thể chất lẫn tinh thần. Chị Nguyễn Thị Kiều, một phụ huynh ở ấp Nam, xã Tân Thạnh cho biết:“chị cũng thường đưa bé đến đây chơi, lúc trước không có chỗ này thì bé chỉ chơi với người chị ở nhà, nhưng từ lúc có nơi này chị thường đưa bé đến đây vì thấy bé thích chơi, về bé cũng rất năng động, trò chơi giúp bé có thêm kiến thức, sáng tạo, năng động hơn”.
Chị Nông Thị Khoảnh – Chủ tịch HĐĐ xã Tân Thạnh cho biết:“Thời gian đầu mới ra mắt mô hình cũng gặp nhiều khó khi sinh hoạt do các em thiếu nhi chưa biết về mô hình, nhưng sinh hoạt khoảng 2, 3 tuần đầu thì các em tham gia sinh hoạt nhiều hơn do các em tham gia các buổi trước sẽ truyền tai và rủ các bạn đến tham gia sinh hoạt”.
Nội dung sinh hoạt được các anh, chị đoàn viên thanh niên và Giáo viên Tổng phụ trách đội xây dựng đa dạng hóa bằng các hình thức khác nhau và tham gia sinh hoạt cùng với các em vào các trò chơi nhằm giúp cho các em không nhàm chán khi tham gia sinh hoạt, …Thông qua các buổi sinh hoạt thiếu nhi hàng tuần, sẽ định hướng cho các em biết phối hợp, đoàn kết cùng nhau hoàn thành tốt công việc được giao, đem lại niềm vui cho các em và xã hội; giúp nhau trau dồi kiến thức, rèn luyện các kỹ năng sống, cách tự bảo vệ mình, biết quý trọng mọi người xung quanh.
Qua thời gian triển khai đến nay Mô hình đã tổ chức sinh hoạt được 13 buổi thu hút được 265 em tham gia, nguồn lực từ kinh phí Tỉnh đoàn Đồng Tháp, Huyện đoàn Thanh Bình và các nhà mạnh thường quân hỗ trợ cho các em như bánh, kẹo, sữa chua, tập viết,…Ngoài ra, Hội đồng đội xã cùng với Ban chấp hành xã Đoàn phối hợp với Trường Đại học công nghệ TP.Hồ Chí Minh đã trao 120 suất quà, học bổng, xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tổng kinh phí 45.000.000 đồng.
Quan tâm đầu tư xây dựng điểm sinh hoạt vui chơi cho trẻ em, chú trọng nơi vui chơi giải trí lành mạnh, thuận tiện đáp ứng nhu cầu vui chơi của các em là một trong những việc làm thiết thực và hết sức ý nghĩa. Hy vọng trong thời gian tới, các cấp,các ngành địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, đồng hành cùng với Hội đồng đội xã để tổ chức nhiều hoạt động phong trào cho các em thiếu nhi trong thời gian tới đạt hiệu quả tốt hơn. Nâng cao hiệu quả các hoạt động tuyên truyền của tổ chức Đoàn, Đội tại địa phương, góp phần truyền tải các thông điệp, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng./.
Kiều Trang